Nếu sữa mẹ ít, mẹ có thể chọn nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp sữa công thức. Cho trẻ uống sữa mẹ và sữa công thức cùng lúc giúp con nhận được lợi ích cả từ sữa mẹ và sữa công thức. Nhưng mấy tháng thì nên cho trẻ uống thêm sữa ngoài? Cho trẻ bú mẹ cách sữa công thức bao lâu? Mời mẹ cùng đọc bài viết sau!
Danh Mục
Có thể bổ sung sữa công thức khi đang nuôi con bằng sữa mẹ không?
Câu trả lời là có thể. Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho bé, tuy nhiên các mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm sữa công thức nếu ba mẹ cảm thấy cần thiết.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị rằng nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi bé bắt đầu ăn dặm (thường đến khoảng 4 đến 6 tháng tuổi, tùy thuộc vào từng bé).
Nhưng cha mẹ có thể chọn bổ sung thêm sữa công thức cho bé vì một số lý do y tế hoặc lý do cá nhân, chẳng hạn như mẹ ít sữa hoặc gặp khó khăn trong việc cho con bú trong khi đang làm việc.
Có thể nuôi con bằng sữa mẹ và sữa công thức cùng lúc
Bổ sung thêm sữa công thức cho bé có ảnh hưởng đến nguồn sữa của mẹ không?
Lượng sữa của mẹ phụ thuộc vào nhu cầu ăn của bé, do đó mẹ càng ít cho con bú hoặc càng ít vắt sữa cơ thể mẹ sẽ càng sản xuất ít sữa.
Nếu mẹ chỉ bổ sung thêm cho bé một hoặc hai bình sữa công thức mỗi tuần, thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn sữa của mẹ. Nhưng nếu mẹ bổ sung sữa công thức cho bé thường xuyên, chẳng hạn như mỗi ngày một lần và không vắt sữa, lượng sữa của mẹ sẽ giảm dần.
Dấu hiệu trẻ bú đủ sữa mẹ
Nếu mẹ lo lắng về việc mẹ ít sữa, hãy thử trao đổi với bác sĩ của con hoặc chuyên gia tư vấn về việc cho con bú. Dưới đây là ba dấu hiệu cho thấy rằng bé đang được bú đủ sữa:
- Bé tăng cân đầy đủ. Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ cân để theo dõi sự phát triển của bé. Trong 5 ngày đầu tiên, bé có thể sẽ giảm cân. Tuy nhiên sau đó bé nên tăng khoảng 15 đến 30 gram mỗi ngày trong ba tháng đầu tiên và 15 gram mỗi ngày trong khoảng từ 3 đến 6 tháng.
- Số lượng tã ướt và bẩn trong một ngày rất nhiều. Vài ngày sau khi chào đời, bé nên có ít nhất 6 chiếc tã ướt và 3 lần đi đại tiện (hoặc có thể nhiều hơn) trong 24h/ trong một ngày.
- Con bú thường xuyên và bú đủ lâu. Bé sẽ bú ít nhất 8 đến 12 lần một ngày trong tháng đầu tiên. Sau đó là ít nhất 7 lần mỗi ngày. Nghe thấy tiếng con nuốt sữa là một dấu hiệu tốt cho thấy bé đang bú sữa.
Dấu hiệu trẻ cần được bổ sung thêm sữa công thức để phát triển
Hãy nói chuyện với bác sĩ của con nếu mẹ có bất kỳ lo ngại nào về việc tăng cân, sự phát triển hoặc thói quen ăn uống của bé. Mẹ phải gọi bác sĩ ngay nếu thấy những triệu chứng sau đây:
- Bé sút cân nhiều hơn bình thường. Thông thường trẻ sơ sinh có thể giảm tới 10% trọng lượng cơ thể trong 5 ngày đầu đời. Sau 2 tuần, cân nặng của các bé sẽ trở lại như lúc mới sinh.
- Có ít hơn 6 chiếc tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi bé được 5 ngày tuổi.
- Quấy khóc hoặc ngủ suốt ngày
- Thời gian bú rất ngắn hoặc rất dài. Nếu bé thường bú ít hơn 10 phút hoặc lâu hơn 50 phút một lần có nghĩa là bé đang không được bú đủ sữa.
Trẻ mấy tháng nên được bổ sung sữa công thức?
Có thể bổ sung thêm sữa công thức cho bé bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các bác sĩ và các chuyên gia cho con bú khuyến nghị nên đợi cho đến khi bé được ít nhất 3 tuần tuổi, để nguồn sữa mẹ và lịch cho bé bú được ổn định.
Nhờ vậy, thỉnh thoảng bổ sung cho bé một bình sữa cũng sẽ không gây ảnh hưởng gì cả. Nếu gặp phải một số vấn đề y tế, chẳng hạn như bé tăng cân không đủ hoặc mẹ ít sữa, các bác sĩ hoặc các chuyên gia có thể đề nghị mẹ bổ sung sữa công thức cho bé sớm hơn.
Mẹo giúp trẻ làm quen với bình sữa
Nếu bé chưa từng bú bình, bé sẽ dễ chấp nhận bú bình nếu người cho ăn không phải mẹ. Đó là bởi vì bé có thể nhận ra mùi hương của mẹ mình. Nếu trẻ nhận ra mẹ đang ở gần, con sẽ mong chờ được bú sữa mẹ ngọt ngào chứ không phải sữa bình.
Mời ba mẹ tham khảo thêm:
Giúp con làm quen với việc bú bình
Còn nếu bé đã quen với việc bú bình, việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức có thể dễ dàng hơn một chút.
Mặc dù vậy, có thể ban đầu các bé đều không chịu uống sữa ở trong bình vì hương vị khác lạ. Vì vậy, mẹ hãy kiên nhẫn và cố gắng cho đến khi bé đã quen với hương vị mới nhé.
Cho bé bú kết hợp sữa mẹ và sữa công thức
Cho bé bú kết hợp cả sữa mẹ và sữa công thức (SNS) hay còn gọi là hệ thống sữa bổ sung là một phương pháp giúp các mẹ cho con bú sữa mẹ và sữa công thức (hoặc sữa mẹ vắt ra) cùng một lúc.
Sữa công thức hoặc sữa mẹ vắt ra sẽ di chuyển dọc theo các ống dẫn mỏng và mềm được dán bằng băng dính dọc theo ngực của mẹ đến cuối núm vú. Khi bú, em bé sẽ bú cả lượng sữa bổ sung thêm cùng với sữa mẹ.
Khi sử dụng hệ thống này, em bé vẫn có thể tiếp tục bú mẹ, vừa tránh được việc bé thích bú bình hơn vừa kích thích sản xuất sữa mẹ. Các ông bố hoặc cha mẹ nuôi cũng có thể sử dụng cách này để tăng thêm sự kết nối với trẻ
Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc các chuyên gia trước nếu mẹ muốn thử phương pháp này.
Có thể pha lẫn sữa mẹ với sữa công thức trong cùng một bình không?
Các chuyên gia cho rằng tốt hơn hết là không nên pha sữa mẹ với sữa công thức, vì có thể sẽ lãng phí lượng sữa mẹ quý giá đó nếu con không bú hết.
Thay vào đó, hãy cho bé bú sữa mẹ trước, và nếu bé vẫn còn đói thì mới cho bé bú thêm bình sữa công thức. Tuy nhiên, nếu ban đầu bé không chịu uống sữa công thức, mẹ có thể thử pha lẫn với một ít sữa mẹ để giúp bé quen mùi vị hơn.
Việc bổ sung thêm sữa công thức có tác động đến trẻ như thế nào?
- Các bé có thể bắt đầu từ chối bú sữa mẹ trực tiếp nếu mẹ bổ sung sữa công thức cho bé thường xuyên. Sữa chảy ra từ bình sẽ nhanh hơn là từ vú mẹ, vì vậy nếu bé ăn tốt, con có thể sẽ thích bú bình hơn.
- Bé ăn ít bữa hơn trong một ngày. Đó là bởi vì trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa công thức không nhanh như tiêu hóa sữa mẹ, vì vậy các bé sẽ cảm thấy no lâu hơn.
- Phân của bé biến đổi. Phân của trẻ cứng hơn, có màu nâu hoặc màu nâu sẫm, và có mùi mạnh hơn. Trẻ cũng ít đi đại tiện hơn
Trẻ có thể bị dị ứng với sữa công thức hay không?
Nếu phân của em bé có vết máu sau khi mẹ cho bé ăn sữa công thức, hoặc nếu bé có vẻ quấy khóc bất thường, nôn mửa, phát ban, nổi mề đay hay bị tiêu chảy, có thể trẻ mắc chứng không dung nạp lactose hoặc dị ứng với protein trong sữa bò và đậu nành trong sữa công thức. Trong trường hợp này mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn
Nếu bé có phản ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng mặt, môi, thở dốc hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Bé có thể đang bị dị ứng rất nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Nguồn: Babycenter