Giới thiệu thức ăn cho bé ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức là giai đoạn rất quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, làm thế nào để cho con ăn đúng cách, lựa chọn phương pháp phù hợp, nắm rõ ưu và nhược điểm của từng loại phương pháp là câu hỏi mà nhiều mẹ còn băn khoăn. Mời các mẹ cùng đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình nhé!
Hiện nay, các phương pháp ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi thường được các mẹ Việt lựa chọn và áp dụng cho bé yêu nhà mình đó là: Ăn dặm truyền thống (ADTT), ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW ) và phương pháp ăn dặm kết hợp.
Danh Mục
MỤC LỤC
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống (ADTT)
2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)
3. Phương pháp ăn dặm BLW bé chỉ huy – Baby led weaning
4. Phương pháp ăn dặm kết hợp
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống (ADTT)
Ăn dặm truyền thống là phương pháp khá quen thuộc, phổ biến và lâu đời ở Việt Nam. Các bé được ăn bột rồi chuyển qua cháo cùng độ thô khác nhau. Các món ăn thịt, rau củ, cá được xay nhuyễn, trộn lẫn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm.
Hiện nay, phương pháp này cũng được nhiều mẹ cải tiến để hỗ trợ bé ăn tốt với lộ trình ăn dặm truyền thống cụ thể là:
- 6-9 tháng: Bé ăn bột
- 10-13 tháng: Bé ăn cháo xay
- 14-18 tháng: Bé ăn cháo đặc
- 18 tháng trở lên: Bé ăn cơm nát/cơm mềm
- 30 tháng trở lên: Bé ăn cơm mềm/cơm khô
ADTT là phương pháp lâu đời tại Việt Nam
Ưu điểm:
- Dễ áp dụng, quen thuộc nên nhận được sự ủng hộ từ gia đình
- Việc chế biến đồ ăn cũng rất dễ dàng và nhanh chóng không làm mất quá nhiều thời gian.
- Bố mẹ cảm thấy kiểm soát được lượng thức ăn bé nạp vào cơ thể, bé có thể ăn số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu nên dễ tăng cân tốt.
- Sạch sẽ, dễ dọn dẹp.
Nhược điểm:
- Bé khó cảm nhận từng mùi vị riêng biệt. Dễ bị ngán
- Bố mẹ dễ mắc phải các tư tưởng ăn dặm tiêu cực như: ép bé ăn, cho bé ăn quá nhiều so với nhu cầu, không cho bé ngồi cố định một chỗ khi ăn, không có thói quen ăn uống lành mạnh.
- Kỹ năng xử lý thức ăn của bé chậm. Nếu bố mẹ không chú ý việc tăng độ thô cho bé thì khi lớn bé sẽ không biết nhai, không có được các kỹ năng cần thiết về ăn thô.
- Khó có thể biết được nguyên nhân bé bị dị ứng là do thực phẩm nào.
2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp được các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng và được áp dụng phổ biến tại Nhật. Thành quả của quá trình này là giúp cho bé các kỹ năng xử lý thức ăn để sau 1 tuổi bé có thể ăn được các món ăn như người lớn và có thể tự xúc ăn.
Mỗi bữa ăn sẽ có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột – đạm – rau củ – quả, được đặt vào bát/khay riêng, giúp bé phân biệt được chính xác mùi vị thức ăn.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
- Giai đoạn 1: (5-6 tháng): cháo rây (tỉ lệ 1:10), các món ăn được hấp chín và rây nhuyễn
- Giai đoạn 2: (7-8 tháng): cháo tỉ lệ 1:7 (không lọc qua rây), các món ăn được hấp chín và nghiền nhỏ.
- Giai đoạn 3: (9-11 tháng): cháo tỉ lệ 1:5 hoặc 1:3, các món ăn được cắt nhỏ hoặc xé tơi, bé được làm quen với kỹ năng bốc thức ăn.
- Giai đoạn 4: (12-18 tháng): bé ăn cơm nát hoặc cơm mềm, các món ăn được cắt hoặc để nguyên miếng. Bé được sử dụng tập thìa.
Ưu điểm:
- Bé được ăn từng loại thức ăn riêng biệt nên có thể phân biệt được chính xác mùi vị, màu sắc các món ăn. Qua đó, mẹ cũng dễ dàng nắm bắt được nguyên nhân bé bị dị ứng bởi món ăn nào.
- Các kỹ năng xử lý thức ăn của con cũng được phát triển đầy đủ và đúng thời điểm.
- Khẩu phần và loại thức ăn dựa trên nhu cầu của bé
Phương pháp ADKN cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ từ mẹ
Nhược điểm:
- Mẹ sẽ cần rất nhiều thời gian nấu từng loại thức ăn với một lượng nhỏ, rất cầu kỳ.
- Nếu bố mẹ không là người cho ăn, bé dễ bị ép ăn, ăn quá nhiều so với nhu cầu.
- Cần sự kiên nhẫn và bình tĩnh
3. Phương pháp ăn dặm BLW bé chỉ huy – Baby led weaning
Phương pháp ăn dặm BLW cho phép bé tự ăn thô ngay từ ban đầu. Tinh thần chủ đạo của phương pháp này là tôn trọng nhu cầu, sở thích và khả năng của bé. Bé được tận hưởng bữa ăn một cách chủ động.
Các nguyên tắc cơ bản của BLW:
– Giai đoạn 1 (1-2 tháng): Tập kỹ năng. Thức ăn chính là rau, củ, quả (cắt dạng thanh dài), bé học cách cầm đưa thức ăn vào miệng, nhai và nuốt.
– Giai đoạn 2 (1-6 tháng): Gồm 2 giai đoạn nhỏ:
+ Bé tập bốc nhón (1-1,5 tháng): thức ăn thái dạng lưới, dạng hình vuông.
+ Bé làm quen với thìa: Thức ăn được chế biến với đủ các hình dạng. Bé tập xúc thìa bằng cháo, súp,..
– Giai đoạn 3 (thông thường tư 14 tháng trở lên): Hoàn thiện kỹ năng. Bé xúc thìa (có thể dùng đũa), ăn các món ăn giống như người lớn.
Ưu điểm:
– Bé phân biệt được rõ ràng mùi vị, màu sắc, hình dạng, kết cấu các loại thực phẩm, mẹ dễ dàng nhận biết được nguyên nhân dị ứng là do thực phẩm nào.
– Kỹ năng xử lý thức ăn tốt.
– Kích thích sự phát triển não bộ qua các giác quan.
– Mẹ tiết kiệm được thời gian để chế biến các món ăn.
– Bé được tận hưởng bữa ăn cùng gia đình cho dù là ở nhà, đi du lịch hay đi nhà hàng.
Phương pháp BLW giúp bé có kỹ năng xử lý tốt, kích thích não bộ
Nhược điểm:
- Thời gian đầu bé có thể ăn được khá ít, thậm chí không ăn khiến mẹ lo lắng về dinh dưỡng cho con.
- Bừa bộn.
- Cha mẹ cần trang bị kiến thức hóc và ọe để phân biệt rõ hai trường hợp này và có kỹ năng sơ cứu cho con khi bị hóc dị vật.
- Khó nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
4. Phương pháp ăn dặm kết hợp
Ăn dặm kết hợp là phương pháp đang được nhiều mẹ Việt ưa chuộng và áp dụng bởi vừa nhận được sự ủng hộ từ gia đình vừa giúp bé phát triển các kỹ năng ăn uống cần thiết. Cũng như mang lại cho mẹ cảm giác yên tâm hơn khi cung cấp các chất dinh dưỡng cho con mình.
Nhiều mẹ mong muốn được kết hợp 3 phương pháp ăn dặm để tận dụng ưu điểm, loại bỏ nhược điểm của cả 3 phương pháp. Tuy nhiên thông thường các mẹ hay lựa chọn kết hợp phương pháp ăn dặm BLW cùng phương pháp cho bé ăn đút như: kiểu Nhật hoặc truyền thống.
Lý tưởng nhất là phương pháp BLW kết hợp cùng ADKN bởi hai phương pháp có cùng tinh thần chính đó là: “tôn trọng nhu cầu ăn của bé”. Tuy nhiên, nếu thời gian và điều kiện gia đình không cho phép, mẹ vẫn có thể cho con ăn BLW kết hợp với truyền thống nhưng cần lưu ý đến nguyên tắc tôn trọng tôn trọng bé và tăng độ thu phù hợp cho con.
Tuy nhiên, dù đã lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp để đồng hành cùng con, nhưng rất nhiều mẹ than phiền rằng bé không chịu hợp tác, lười ăn, sợ đến bữa ăn. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó là:
- Lịch sinh hoạt giữa ăn sữa – ăn dặm – ngủ không phù hợp (*Điều kiện tiên quyết giúp con ăn dặm thành công)
- Chưa thấu hiểu tâm sinh lý của con thời kỳ ăn dặm (ép ăn, bế rong, xem TV, điện thoại khi ăn…)
- Giới thiệu và xây dựng lộ trình ăn dặm chưa phù hợp (con ăn thức ăn nghiền nhuyễn quá lâu, chỉ ăn một món duy nhất, không chịu ăn rau…)
Quá trình ăn dặm của con không chỉ là tập ăn, thu nạp các chất dinh dưỡng ngoài sữa mẹ vào cơ thể mà đó con là kỹ năng cơ bản, thiết yếu của con người. Bởi vậy, việc mẹ lựa chọn phương pháp ăn dặm cho con, giúp con ăn uống khoa học, tích cực là tiền đề rất quan trọng để các bé không bị kén ăn, biết tự chủ, có suy nghĩ độc lập và có chính kiến trong tương lai.